Bắt đầu từ thời kỳ công nghiệp phát triển, tượng đá ở các thành phố lớn đang có nguy cơ bị bào mòn nhanh hơn mức bình thường rất nhiều. Nói không ngoa, có thể một lúc nào đó bạn sẽ thắc mắc tại sao tượng của một nhân vật nổi tiếng ở một thành phố bạn đang đi du lịch lại có cái mũi nhỏ một cách dị thường. Tất cả chỉ tại mưa acid.
Khi không khí còn chưa ô nhiễm thì mưa trong tự nhiên đã hơi bị acid hóa do CO2 trong không khí hòa lẫn với nước tạo ra Acid Carbonic. Tuy vậy, mưa acid thì chứa nhiều loại acid mạnh hơn rất nhiều (ví dụ như Acid Nitric và Acid Sulfuric). Lượng acid trong mưa acid cũng nhiều gấp 10 tới 100 lần lượng acid trong mưa tự nhiên không bị ô nhiễm.
Mưa acid tạo ra bởi việc đốt các nguồn năng lượng tự nhiên như dầu, than… Các nguồn năng lượng này được tạo ra từ hóa thạch của động thực vật, do vậy ngoài Cacbon và Hydro ra, chúng còn chứa nhiều các nguyên tố khác như Lưu huỳnh (S) và Nitrogen (N). Khi đốt, các nguyên tố này kết hợp với oxy để tạo thành các oxide và sau đó kết hợp với nước mưa để tạo ra acid.
Mưa acid không đơn giản chỉ làm các công trình kiến trúc bị bào mòn nhanh hơn mà nó còn ảnh hưởng lớn tới quá trình tồn tại và phát triển của các loài động thực vật. Côn trùng nhỏ và cá khi gặp mưa acid đều rất khó khăn để thích nghi và tồn tại. Cây cối ngoài việc bị ảnh hưởng trực tiếp bởi acid còn bị ảnh hưởng gián tiếp khi mưa acid bào mòn đất xung quanh và dẫn tới việc cây cối không đủ dinh dưỡng để tồn tại nữa.
Giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề mưa acid là sử dụng các nguồn năng lượng sạch không chứa Nitrogen và Lưu huỳnh, ví dụ năng lượng mặt trời. Ngoài ra, các xe ô tô hiện đại khi lưu hành trên đường cũng phải tuân theo các tiêu chuẩn ngặt nghèo về khí thải.